Viêm giác mạc là một bệnh lý thường gặp ở mắt. Bệnh bắt đầu với những triệu chứng cơ bản như đỏ, đau, cộm xốn, và giảm thị lực. Viêm giác mạc nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thờ có thể gây ra những biến chứng thị lực nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí là mù lòa.
Viêm giác mạc là gì?
Giác mạc là một mô mỏng trong suốt, có hình vòm nằm phía trước nhãn cầu, giúp cho ánh sáng đi vào mắt và tham gia vào hoạt động khúc xạ. Vì là phần mỏng nhất và tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên giác mạc mắt rất dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng xâm nhập gây viêm giác mạc.
Bệnh viêm giác mạc có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhiều nam giới hơn nữ giới (65–71% bệnh nhân mắc viêm giác mạc là nam giới).

Phân loại viêm giác mạc
Viêm giác mạc có thể được phân loại dựa trên nguyên nhân gây bệnh, cách mà bệnh tiến triển, hoặc vùng giác mạc bị ảnh hưởng. Dưới đây là các phân loại chính của viêm giác mạc:
Phân loại theo nguyên nhân
Viêm giác mạc nhiễm trùng
- Viêm giác mạc do vi khuẩn: Bệnh thường do vi khuẩn Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa, và các loại vi khuẩn khác gây ra. Đây là loại viêm giác mạc phổ biến nhất và có thể dẫn đến loét giác mạc nếu không được điều trị kịp thời.
- Viêm giác mạc do virus: Virus gây viêm giác mạc phổ biến nhất là do virus Herpes simplex (HSV) và Adenovirus. Viêm giác mạc do Herpes có thể gây loét và sẹo trên giác mạc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
- Viêm giác mạc do nấm: Bệnh gây ra bởi các loại nấm như Fusarium, Aspergillus, và Candida. Loại viêm giác mạc này thường khó chẩn đoán và điều trị hơn.
- Viêm giác mạc do ký sinh trùng: Bệnh thường do ký sinh trùng Acanthamoeba gây ra, liên quan đến việc sử dụng kính áp tròng không đúng cách hoặc tiếp xúc với nước bẩn.
Viêm giác mạc không nhiễm trùng
- Viêm giác mạc do chấn thương: Xảy ra khi giác mạc bị tổn thương cơ học do bị cào xước, hóa chất bắn vào mắt, hoặc dị vật mắc kẹt.
- Viêm giác mạc do dị ứng: Thường gặp ở những người bị viêm kết mạc dị ứng hoặc dị ứng theo mùa, gây ra bởi các tác nhân như phấn hoa, bụi, hoặc lông động vật.
- Viêm giác mạc do thiếu vitamin: Thiếu vitamin A có thể dẫn đến tình trạng khô mắt và viêm giác mạc.
Phân loại theo tiến triển của bệnh
- Viêm giác mạc cấp tính: Bệnh có triệu chứng xuất hiện đột ngột và tiến triển nhanh chóng. Nguyên nhân gây bệnh chính là do nhiễm trùng hoặc chấn thương.
- Viêm giác mạc mạn tính: Bệnh kéo dài và tiến triển chậm. Thường liên quan đến các nguyên nhân như dị ứng, khô mắt mạn tính, hoặc các bệnh tự miễn.
Phân loại theo vùng giác mạc bị ảnh hưởng
- Viêm giác mạc vùng trung tâm: Tổn thương viêm ở phần trung tâm của giác mạc, có thể gây mất thị lực nghiêm trọng.
- Viêm giác mạc vùng ngoại vi: Tổn thương ở phần rìa ngoài của giác mạc. Thường ít nghiêm trọng hơn nhưng vẫn cần điều trị.
- Viêm giác mạc toàn diện: Biểu hiện viêm ảnh hưởng đến toàn bộ giác mạc, thường do nhiễm trùng nặng hoặc chấn thương nghiêm trọng.
Việc phân loại viêm giác mạc giúp bác sĩ xác định nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp.

Nguyên nhân gây viêm giác mạc
Nguyên nhân gây viêm giác mạc chủ yếu bao gồm nhiễm trùng mắt và chấn thương mắt.
Nhiễm trùng mắt có thể xuất hiện do vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng xâm nhập vào mắt. Cơ thể phản ứng bằng cách sản sinh kháng thể và kích thích tế bào miễn dịch để tấn công và loại bỏ các tác nhân gây bệnh, dẫn đến tình trạng viêm giác mạc.
Chấn thương mắt cũng là một nguyên nhân phổ biến gây viêm giác mạc. Chấn thương có thể xảy ra do đeo kính áp tròng, phẫu thuật giác mạc hoặc các nguyên nhân khác gây tổn thương giác mạc. Nếu có bất kỳ biểu hiện bệnh về mắt khi đang sử dụng kính áp tròng, ngưng ngay và đến bệnh viện chuyên khoa mắt để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, viêm giác mạc có thể do các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp và hội chứng Sjogren gây ra, khi các kháng thể và tế bào miễn dịch trong cơ thể tấn công giác mạc, dẫn đến tình trạng viêm.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm giác mạc
Triệu chứng của viêm giác mạc thường bắt đầu từ lớp ngoài cùng của giác mạc và lan dần vào phần bên trong của mắt. Nếu không nhận ra và điều trị kịp thời, viêm giác mạc có thể lan rộng gây ảnh hưởng đến thị lực và trong trường hợp nặng có thể dẫn đến mù lòa.
Các triệu chứng phổ biến của viêm giác mạc bao gồm:
- Đau nhức mắt: Cảm giác đau nhức nhối, có thể gia tăng khi tiếp xúc với ánh sáng hoặc khi bị va đập.
- Chảy nước mắt: Mắt chảy nước khi mở mắt, hoặc cảm giác nước mắt rơi rụng rời.
- Nhạy cảm với ánh sáng: Người bệnh có thể cảm thấy chói mắt, luôn nhắm chặt mắt lại, đặc biệt là trẻ nhỏ có thể chui đầu vào lòng người thân để tránh ánh sáng.
- Mờ mắt: Thị lực giảm dần, phụ thuộc vào mức độ và sự lan rộng của bệnh.
- Mắt đỏ: Mắt có thể đỏ quanh khu vực tròng mắt, đôi khi có dấu hiệu mủ màu trắng ở phần trước của tròng đen.
- Đốm trắng trên giác mạc: Có thể xuất hiện đốm trắng lớn hay nhỏ, thường tập trung ở trung tâm của giác mạc.
Nếu có dấu hiệu bất thường của viêm giác mạc giống các triệu chứng trên, bạn nên đi khám sớm để được bác sĩ chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm giác mạc chuẩn y khoa
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm giác mạc, bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ thực hiện các bước sau:
- Hỏi bệnh sử: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, thời gian xuất hiện, các yếu tố nguy cơ (tiếp xúc với hóa chất, chấn thương, đeo kính áp tròng…) và tiền sử bệnh lý của bạn.
- Khám mắt tổng quát: Bác sĩ sẽ kiểm tra thị lực, quan sát mắt bằng đèn pin và kính lúp để đánh giá tình trạng viêm nhiễm, loét, sẹo…
- Khám bằng đèn khe: Đây là phương pháp quan trọng để chẩn đoán viêm giác mạc. Bác sĩ sẽ sử dụng một loại kính hiển vi đặc biệt (đèn khe) để quan sát chi tiết giác mạc, phát hiện các tổn thương nhỏ, xác định vị trí và mức độ viêm nhiễm.
- Xét nghiệm bổ sung: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm như:
- Nhuộm fluorescein: Giúp phát hiện các vết loét hoặc trầy xước trên giác mạc.
- Nuôi cấy vi khuẩn, virus hoặc nấm: Xác định tác nhân gây viêm nhiễm để lựa chọn thuốc điều trị phù hợp.
- Đo độ dày giác mạc: Đánh giá mức độ tổn thương giác mạc.

Phương pháp điều trị viêm giác mạc
Điều trị dùng thuốc
Nếu bạn bị viêm giác mạc do nhiễm trùng, việc sử dụng thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đối với các trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc kháng sinh nhỏ mắt để điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm nhiễm nặng và có nguy cơ lan sang các cơ quan khác, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh toàn thân, bao gồm các dạng uống hoặc tiêm.
Trong trường hợp viêm giác mạc do nấm, virus hay kí sinh trùng gây ra, bác sĩ có thể kết hợp điều trị các thuốc nhỏ mắt kết hợp thuốc kháng nấm, kháng virus và các biện pháp đặc biệt khác.
Mặc dù viêm kết giác mạc thường lành tính và có thể tự khỏi mà không để lại biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển đến mực độ tổn thương giác mạc vĩnh viễn, thì phương pháp ghép giác mạc sẽ được xem xét để khôi phục thị lực cho bệnh nhân.
Điều trị bằng chăm sóc
Chăm sóc và vệ sinh mắt đúng cách có thể giúp tình trạng viêm nhiễm kết mạc thuyên giảm nhanh chóng. Dưới đây là những biện pháp chăm sóc mắt bị viêm kết giác mạc mà bạn cần lưu ý:
- Vệ sinh mắt thường xuyên: Lau rửa ghèn và dử mắt 2 – 3 lần mỗi ngày bằng khăn giấy ẩm mềm sạch hoặc bông mềm sạch. Tránh tái sử dụng khăn giấy để ngăn ngừa tái nhiễm virus và vi khuẩn, không dùng khăn giấy khô vì có thể gây tổn thương mắt.
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt: Dùng dung dịch rửa mắt natri clorid 0.9% hoặc nước mắt nhân tạo để vệ sinh mắt. Chỉ sử dụng thuốc nhỏ mắt điều trị khi có hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt khi thuốc chứa kháng sinh hoặc corticoid. Nếu viêm kết giác mạc xuất hiện ở một bên mắt, bạn không nên dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt để tránh lây nhiễm sang mắt lành hoặc người xung quanh. Thuốc nhỏ mắt Avisla là một sản phẩm làm sạch và rửa mắt được nhiều bác sĩ chỉ định hiện nay. Đặc biệt, Avisla còn được bổ sung Borneol, hoạt chất có khả năng chống viêm nhẹ, nên hỗ trợ điều trị và phòng ngừa các bệnh về mắt vô cùng hiệu quả.
- Vệ sinh tay và vật dụng cá nhân sạch sẽ: Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nhất là trước khi dùng thuốc nhỏ mắt và vệ sinh mắt. Tránh day mắt, gãi hoặc sờ tay lên mắt, mũi để ngăn vi khuẩn, virus tấn công và làm bệnh trở nên khó điều trị hơn.
- Phòng ngừa lây nhiễm: Trong thời gian mắc bệnh viêm giác mạc, bạn cần hạn chế đi học, đi làm hoặc ra đường, đến nơi đông người không cần thiết để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác. Nếu cần ra ngoài, đeo kính đen hoặc kính râm và hạn chế tiếp xúc gần để ngăn dịch mắt chứa mầm bệnh gây lây lan.

Viêm giác mạc không khó điều trị, bạn chỉ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và chăm sóc mắt cẩn thận, bệnh sẽ mau chóng thuyên giảm và khỏi hoàn toàn sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, không nên chủ quan, cần tích cực điều trị và theo dõi để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.